Phát triển thế lực bên ngoài Trịnh_Thành_Công

Chinh phục Đài Loan

Tranh minh họa hải chiến Giang Nội trong sách Fuermosha của Premier xuất bản năm 1675Thành Phổ La Dân Già (nay là Xích Khảm lầu)Mô hình phục chế thành Zeelandia

Công lao lớn nhất và thành tích quân sự lớn nhất trong cả cuộc đời của Trịnh Thành Công là việc ông thực hiện thành công việc chinh phục Đài Loan. Đài Loan là một hòn đảo lớn nằm ở biển đông nam Trung Quốc. Thời nhà Nguyên, chính thức đặt Ty tuần kiểm Bành Hồ, để quản lý Bành Hồ và Đài Loan. Thời nhà Minh kế thừa thể chế của nhà Nguyên, vẫn để Ty tuần kiểm ở Đài Loan, và đưa quân đóng tại Bành Hồ, để bảo vệ Bành Hồ.

Năm Thiên Khải nhà Minh thứ 4 (năm 1624), thời gian vào khoảng giữa tháng 7 và tháng 8, công ty Đông Ấn Hà Lan đã đem quân đội đến chiếm đóng đảo Đài Loan. Họ cho xây dựng hai cứ điểm quân sự chủ yếu tại vùng ven biển Đài Loan. Một căn cứ đặt tại Nhất Côn Thân (nay là khu An Bình) ở miền tây nam Đài Loan. Công trình quân sự này được xây dựng kiên cố có thành trong thành ngoài, đặt tên là thành Nhiệt Lan Thứ, Hà Lan gọi là pháo đài Zeelandia (nay là thành cổ An Bình thành phố Đài Nam). Dân trên đảo Đài Loan thì gọi là Xích Khảm thành, Hồng Mao thành, hay Đài Loan thành. Căn cứ thứ hai của Hà Lan được xây dựng tại Trấn Bắc phường thuộc khu vực tây bắc Đài Nam thành, được đặt tên theo tiếng Hà Lan là pháo đài Provintia. Đây là một công trình kiến trúc có nhiều tầng lầu, nên dân địa phương gọi là Xích Khảm lầu. Công ty Đông Ấn Hà Lan dùng nơi đây để trú đóng lực lượng quân sự riêng nhằm chiếm giữ Đài Loan và bảo vệ chính quyền mới thiết lập trên hòn đảo này.

Năm Thuận Trị thứ 18 (năm 1661), Trịnh Thành Công tiếp kiến một Hoa kiều đồng hương với ông là Hà Bân từ Đài Loan đến Hạ Môn, Hà Bân dâng một số mưu kế, sách lược giải phóng Đài Loan, lại còn trình bày tỉ mỉ tình hình Đài Loan, Hà Bân nói:

"Đài Loan rộng mấy nghìn dặm, thật sự là xứ sở của các bậc vương hùng mạnh; dạy cho người dân biết cày cấy, có thể có cái đủ ăn. Ở trên thì có nước ngọt ở Kê Long, có tiêu, lưu huỳnh. Dưới thì có biển vàng biển bạc, thông ra các nước. Có thể đóng thuyền lắp bè; cần làm cột buồm hay bánh lái tàu thuyền, chẳng thiếu gì thép đồng. Cứ di chuyển binh sĩ các trấn và gia quyến họ, chỉ 10 năm đoàn tụ sinh sống, chỉ 10 năm nuôi dạy trưởng thành, thì nước sẽ giàu, binh sẽ mạnh"

Tiếp đó Hà Bân đưa cho Trịnh Thành Công bản địa đồ Đài Loan. Ông ta còn trình bày tỉ mỉ tình hình Đài Loan, và bày tỏ ý muốn tình nguyện làm người dẫn đường cho đại quân Trịnh Thành Công đi giải phóng Đài Loan. Từ đó Trịnh Thành công bắt đầu thận trọng nghiên cứu phương hướng hành quân và thời cơ khởi binh, ông đã xem xét rất kỹ kế hoạch hành quân cụ thể để đánh chiếm Đài Loan. Ông quyết định đưa quân đi qua vịnh Lộc Nhĩ Môn, để đổ bộ lên bãi Thương ở Đài Loan, sau đó bất ngờ tập kích thành Xích Khảm của địch.

Ngày 23 tháng 3 năm Thuận Trị thứ 18, Trịnh Thành Công dẫn đại quân đi thuyền xuất phát từ vịnh Liệu La ở đảo Kim Môn, hướng ra Đài Loan. Ông biên chế binh lính thành hai thê đội. Bản thân ông chỉ huy thê đội thứ nhất gồm 2,5 vạn người, có 120 chiến thuyền, đi ra đảo Bành Hồ. Trịnh Thành Công nắm rất vững khí hậu, thời tiết và đường hàng hải, nên quân đội của ông hành quân rất thuận lợi. Sau một ngày đêm, quân của ông đi qua eo biển Đài Loan, đến đảo Bành Hồ. Không ngờ đến đây thì gặp gió bão rất to, thuyền đi rất khó. Gió bão kéo dài đến ngày 30 vẫn chưa hết. Lúc ấy số lương thực mang theo ngày càng vơi đi, tình hình khó khăn đang ngày càng đè nặng. Tuy nhiên, Trịnh Thành Công vẫn bình tĩnh quyết đoán, ông quyết định ngay tối hôm đó phải lựa theo chiều gió để tiếp tục hành quân. Đông đảo các tướng sĩ của ông đều thuận theo hướng gió, lướt sóng tiến quân với tốc độ rất nhanh, nên sáng sớm hôm sau đã đến bên ngoài vịnh Lộc Nhĩ Môn.

Cửa khẩu Lộc Nhĩ Môn rộng khoảng một dặm. Đó là con đường hàng hải để đi vào các sông nội địa ở miền bắc Đài Loan. Tại phía nam cửa Lộc Nhĩ Môn cũng có một con đường hàng hải tương tự, đó là Bắc Tuyến Vĩ (Đuôi tuyến Bắc) và Nhất Côn Thân (thân cá Côn) có quân Hà Lan đóng giữ, rất khó đi qua những nơi đó. Lúc bấy giờ, tổng số quân trú đóng tại Đài Loan có khoảng 2.000, chủ yếu đóng tại hai nơi: Xích Khảm thành và Xích Khảm lầu. Quân Hà Lan cho rằng, tại cửa Lộc Nhĩ Môn từ trước đã có thuyền chìm ở đó, gây ách tắc việc qua lại của tàu thuyền. Hơn nữa, nước ở đó nông cạn, đá ngầm lại nhiều, không thuận cho việc hành quân của binh lính thủy chiến. Vì vậy, quân Hà Lan không canh phòng cửa Lộc Nhĩ Môn. Trịnh Thành Công nắm bắt được sơ hở này của địch, quyết tâm đột nhập Lộc Nhĩ Môn.

Ngày 24 tháng 3, Trịnh Thành Công lợi dụng nước triều buổi sớm đang dâng cao, nhờ Hà Bân làm hoa tiêu, đưa toàn chiến thuyền đi vòng qua pháo đào địch, nhanh chóng tiến vào nội hải Lộc Nhĩ Môn. Sau đó lập tức đổ bộ lên đất liền. Theo phân công, quân chủ lực của Trịnh Thành Công đổ bộ lên cảng Hòa Liêu, tiến thẳng đến phía sau lực lượng quân Hà Lan đang bảo vệ Xích Khảm lầu. Một cánh quân khác của Trịnh đánh chiếm khu vực Bắc Tuyến Vĩ nhằm bảo đảm cho quân chủ lực đổ bộ an toàn.

Nhờ sự giúp đỡ và nội ứng của một bộ phân dân địa phương trong thành nên Trịnh Thành Công nhanh chóng cắt đứt sự liên hệ giữa Xích Khảm thành và Xích Khảm lầu. Trước tình hình nguy cấp trước mắt, quân trú phòng Hà Lan quyết định cố thủ chặt chẽ. Đồng thời, Tổng đốc Hà Lan Frederik Coyett còn phái 4 chiến hạm phản công vào bên sườn quân Trịnh ở khu vực Lộc Nhĩ Môn. Trên đất liền, quân đội Hà Lan chia ra làm hai bộ phận, cả hai đều hướng về khu vực Bắc Tuyến Vĩ, nhằm trấn áp quân Trịnh ở đó. Trịnh Thành Công đích thân chỉ huy quân chủ lực tổng tấn công quân Hà Lan. Trong trận thủy chiến đầu tiên, quân Trịnh bắn bị thương 3 chiến hạm địch, chỉ có 1 chiếc chạy thoát. Trên đất liền, ông còn đưa đại quân phản công chính diện. Ngoài ra còn đưa 700-800 kị binh, vòng ra phía sau giáp công. Đại quân và kị binh của Trịnh ngay lập tức đánh tan quân Hà Lan đang trên đường tiến công. Sau đó, ông còn tập hợp được 2,5 vạn quân binh của địa phương sở tại, đánh chiếm được cứ điểm Xích Khảm lầu của quân Hà Lan.

Đầu tháng 5 năm 1661, thê đội thứ hai của Trịnh Thành Công cũng vượt biển đến Đài Loan. Trịnh Thành Công cho tập trung toàn bộ lực lượng tiến công Xích Khảm thành, nhưng quân Hà Lan kiên quyết cố thủ đến cùng nên sau cùng ông quyết định vây hãm thành lâu dài, cắt đứt toàn bộ chi viện ở các nơi, đợi quân Hà Lan sức cùng lực kiệt phải đầu hàng.

Tháng giêng năm Thuận Trị thứ 19 (năm 1662), quân Hà Lan đã bị bao vây suốt 9 tháng, trong thành dần cạn lương thực, số quân chết đói lên tới hơn 1.600 người. Một sĩ quan người Đức của Hà Lan là Hans Jeuriaen Rade đào ngũ sang đề xuất cung cấp thông tin giúp đỡ quân Trịnh. Nhờ nắm được những tin tức tình báo quan trọng và thời cơ đã đến, Trịnh Thành Công hạ lệnh tổng tiến công.

Ngày 1 tháng 2 cùng năm, do sức cùng lực kiệt, nên Frederik Coyett buộc phải ra ngoài thành ký vào giấy đầu hàng Trịnh Thành Công và rút quân đội ra khỏi đảo, sự kiện này đánh dấu kết thúc 38 năm thống trị của công ty Đông Ấn Hà Lan trên đảo Đài Loan.[20]

Kế hoạch tiến đánh Luzon

Năm 1565, Tây Ban Nha bắt đầu thiết lập sự thống trị thực dân trên quần đảo Philippines.[21] Từ năm 1603 đến 1639, thực dân Tây Ban Nha hai lần thảm sát thương nhân người Hoa ở hòn đảo lớn nhất Luzon, khiến số người chết lên đến hơn 50 nghìn, đó là tình hình ở nước ngoài của người Hoa tại Philippines, sau năm 1657, Trịnh Thành Công từng gửi thư đến một đội trưởng người Hoa tại Batavia trên đảo Java, yêu cầu hắn dừng ngay các hoạt động giao thương buôn bán với thực dân Tây Ban Nha ở Philippines, Trịnh Thành Công nhiều lần bày tỏ mối quan tâm của ông đối với người Hoa ở Philippines, ông còn dự tính sẽ thống lĩnh quân đội vượt biển sang chinh phục Philippines, để trừng phạt người Tây Ban Nha.

Năm 1662, sau khi Trịnh Thành Công công chiếm Đài Loan, tháng 4 cùng năm, thông qua cha cố Maria a Cintoia từ nước Ý sang trình quốc thư cho Tổng đốc Tây Ban Nha ở Philippines, trong thư Trịnh Thành Công khiển trách người Tây Ban Nha về tội trạng giết hại người Hoa, lệnh cho họ phải "cải tà quy chính, cúi đầu nộp cống", nhưng người Tây Ban Nha không chấp nhận, lại còn tiến hành thảm sát Hoa kiều lần thứ ba tại thủ đô Manila của Philippines. Trịnh Thành Công rất tức giận sau khi nghe tin này, quyết định thống lĩnh quân đội đi chinh phạt, nhằm trả thù cho Hoa kiều, ông một mặt cho phủ dụ và an trí nhiều Hoa kiều trốn từ Philippines sang Đài Loan, mặt khác lại tổ chức quân đội trù bị, phái người bí mật liên lạc với Hoa kiều tại Philippines, chờ đợi thờ cơ thuận lợi tiến hành chinh phạt, nhưng chính trong thời gian đó tại Đài Loan đã xảy ra khá nhiều biến cố trong gia đình của Trịnh Thành Công, khiến ông ngã bệnh qua đời ngày 23 tháng 6 năm 1662.

Về sau, con trưởng của ông là Trịnh Kinh từ năm 1670 đến 1671 hai lần chuẩn bị phái hạm đội chinh phạt Manila, nhưng nhân vì loạn Tam Phiên, Trịnh Kinh phải dẫn quân vượt biển sang phía tây tới Phúc Kiến nhằm chi viện cho Cảnh Tĩnh Trung mà kế hoạch chưa thể thực hiện được.

Xây dựng chính quyền mới

Sau khi giải phóng Đài Loan, Trịnh Thành Công lập tức bắt tay vào việc chỉnh đốn và xây dựng Đài Loan. Ông đổi tên thành Nhiệt Lan Thứ thành An Bình trấn, để kỷ niệm quê hương ông. Ông còn xây dựng một hệ thống bộ máy cai trị Đài Loan giống như của triều Minh.

Về mặt địa lý, ông hạ lệnh đồn khẩn phạm vi Đài Loan, phía bắc tới Cát Mã Lan (nay là Nghi Lan, bắc Đài Loan), phía nam tới Lang Kiệu (nay là Hằng Xuân, nam Đài Loan) nhưng vì do vua tộc Bình Bộ Đại Đỗ là Papora (tiếng Trung đọc là Phách Bố Lạp) cùng với người Phiên ở Lang Kiệu phản kháng nên đành tạm hoãn khuếch trương lãnh thổ, khu vực thống trị thực tế của Trịnh Thành Công ước tính phạm vi khoảng từ Nhân Lâm (nay là trấn Nhân Lâm huyện Chương Hóa, Đài Loan) cho tới Gia Đằng (nay là hương Giai Đông huyện Bình Đông, Đài Loan).

Ngoài ra, Trịnh Thành Công còn hết sức chú ý việc ổn định dân tình, chỉnh đốn kỷ cương quân đội, quy định toàn quân phải lập đồn điền tăng gia sản xuất, nhằm giải quyết những khó khăn về hậu cần. Ông định ra rất nhiều chính sách nhằm khai phá và quản lý Đài Loan. Những chính sách đó, rất được nhân dân sở tại đồng tình ủng hộ, tạo cơ sở vững chắc cho sự thống trị của vương triều họ Trịnh về lâu dài.[15]

Những năm cuối đời

Sau khi giải phóng Đài Loan, tướng dưới quyền Trịnh Thành Công là Trần Bưu được giao trách nhiệm đóng quân ở nam Phúc Kiến. Con của Trịnh Thành Công là Trịnh Kinh đóng quân ở Tư Minh. Năm Khang Hy thứ nhất (năm 1662), triều đình nhà Thanh hạ lệnh xử chém Trịnh Chi Long và các con là Trịnh Thế Ân, Trịnh Thế ẤmTrịnh Thế Hiến.

Lúc ấy, Trịnh Thành Công cũng tin vào những lời vu cáo xiểm nịnh, nên đã cho đem quân đi tập kích Trần Bưu, Trần Bưu đưa quân đến đầu hàng nhà Thanh ở Quảng Châu. Trịnh Thành Công lại tức giận về chuyện Trịnh Kinh thông dâm với người vợ nuôi và đẻ ra một đứa con, nên đã cử Trịnh Thái đến giết Trịnh Kinh và người mẹ họ Đổng. Đúng vào lúc ấy, tướng Chu Toàn Bân vừa từ nam Phúc Kiến trở về, ông cho bắt giam Trịnh Thái, lập Trịnh Kinh, lấy lại niên hiệu trước đây của Trịnh Chi Long, tôn xưng Trịnh Cẩm là Bình Quốc công. Chu Toàn Bân dựa vào lực lượng quân đội dưới quyền mình để chống lại lệnh của Trịnh Thành Công.

Trịnh Thành Công đang bị ốm, nghe được tin này, trong lòng vừa buồn vừa giận, không lâu sau ông qua đời vì bệnh sốt rét vào ngày 23 tháng 6 năm 1662, trước khi lâm chung, ông còn gào lên: "Ta không còn mặt mũi nào mà nhìn tiên đế dưới suối vàng nữa" rồi lấy tay cào nát mặt mà chết, lúc ấy ông mới có 39 tuổi. Tuy nhiên căn cứ vào ghi chép trong các sách Mân Hải kỷ yếu của Hạ LâmĐài Loan ngoại chí của Giang Nhật Thăng thì bệnh tình của Trịnh Thành Công lúc đầu chưa thật sự nghiêm trọng, có thể đọc sách, trò chuyện và ăn uống bình thường, một số học giả tỏ ý nghi ngờ ông bị đầu độc mà chết, con trưởng là Trịnh Kinh kế thừa lên nắm quyền, trở thành chủ nhân thứ hai của vương quốc Đông Ninh.[15]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trịnh_Thành_Công http://library.xmu.edu.cn/news/detail.asp?serial=2... http://www.hnta.cn/Info/lyzx/qs/790306.shtml http://www.zhengchenggong.cn/artNewsInfo.asp?id=38 http://books.google.com/books?id=p3D6a7bK_t0C&pg=P... http://aleph.nkp.cz/F/?func=find-c&local_base=aut&... http://catalogue.bnf.fr/ark:/12148/cb161440677 http://data.bnf.fr/ark:/12148/cb161440677 http://www.idref.fr/086172573 http://id.loc.gov/authorities/names/n83024080 http://d-nb.info/gnd/11882225X